Câu chuyện triết học: PLATON - 1. Bối cảnh

          Nếu bạn nhìn vào một bản đồ của Âu châu, bạn sẽ thấy rằng Hy Lạp giống như một bàn tay chìa các ngón ra biển Địa trung hải. Phía nam là hòn đảo Crète hình như nằm gọn trong các ngón tay, ngàn năm trước Tây lịch (tTL) đó là nơi khởi đầu của văn minh nhân loại. Về phía đông là lãnh thổ thuộc về Á châu tuy ngày nay có vẻ lạc hậu nhưng dưới thời Platon là một lãnh thổ rất trù phú với một nền thương mãi, kỹ nghệ cực thịnh và một nền văn hoá phong phú. Về phía tây là nước Ý giống như một toà lâu đài ở giữa biển, các đảo Sicile và nước Y-pha-nho (Tây Ban Nha). Tại những nơi đó có những nhóm người Hy lạp sinh sống; cuối cùng là xứ Gibraltar, nơi đầy nguy hiểm cho các thuỷ thủ mỗi khi muốn vượt eo biển này. Về phía bắc là những xứ man rợ như Thessaly, Epirus và Macédonie. Từ những xứ ấy nhiều bộ lạc xuất phát và mở những cuộc tấn công về phía nam, những trận đánh do những văn nhân Hy lạp như Homère kể lại mà những chiến sĩ như Périclès chỉ huy. Hãy nhìn một lần thứ hai vào bản đồ, bạn sẽ thấy nhiều chỗ lồi lõm ở bờ biển và núi đồi trong đất liền, đâu đâu cũng có những vịnh nhỏ và những mỏm đá trồi ra biển. Nước Hy lạp bị chia cắt và cô lập bởi những chướng ngại thiên nhiên đó. Sự đi lại và liên lạc ngày xưa khó khăn hơn bây giờ rất nhiều. Do đó mỗi vùng tự phát triển lấy nền kinh tế, tự thành lập lấy nền hành chánh chính trị, tự phát huy tôn giáo, văn hoá và ngôn ngữ của mình. Những quốc gia như Locris, Etolia, Phocis, Béothia v.v.


          Hãy nhìn vào bản đồ một lần thứ ba và quan sát vị trí của tiểu quốc Athènes: đó là một tiểu quốc nằm về phía cực đông của Hy lạp. Đó là cửa ngõ của Hy lạp để giao thiệp với các quốc gia thuộc vùng Á châu, đó là cửa ngõ để Hy lạp thu nhận những sản phẩm và ánh sáng văn hoá từ bên ngoài. Ở đây có một hải cảng rất tiện lợi, hải cảng Pirus, rất nhiều tàu bè đến trú ẩn để tránh những lúc sóng to gió lớn. Ngoài ra Pirus còn là nơi xuất phát một hạm đội chiến tranh hùng mạnh.
          Vào khoảng năm 490 trước Tây lịch, hai tiểu quốc Sparte và Athènes quên mối hận thù để hợp lực cùng nhau đánh đuổi quân xâm lăng Ba Tư lăm le biến Hy lạp thành một thuộc địa của mình. Trong cuộc chiến tranh này, Sparte cung cấp lục quân và Athènes cung cấp thuỷ quân. Khi chiến tranh chấm dứt, Sparte giải ngũ quân đội và chịu sự khủng hoảng kinh tế do sự giải ngũ này sinh ra. Trong khi đó thì Athènes khôn ngoan hơn, biến hạm đội tàu chiến thành một hạm đội tàu buôn và trở nên một nước buôn bán giàu mạnh nhất thời thượng cổ. Sparte điêu tàn trong nghề canh nông và bị cô lập với thế giới bên ngoài, trong khi Athènes trở nên thịnh vượng và là một nơi giao điểm của nhiều chủng tộc, nhiều nguồn tư tưởng, văn hoá, sự chung đụng nảy sinh sự so sánh, phân tích và suy nghiệm.
          Những truyền thống, lý thuyết gặp gỡ nhau, chống đối nhau, tự đào thải nhau và được cô đọng lại. Trong khi có hàng ngàn tư tưởng chống đối nhau, người ta có khuynh hướng hoài nghi tất cả những tư tưởng ấy. Có lẽ những thương gia là những người nhiều hoài nghi nhất vì họ thấy quá nhiều, bị tuyên truyền quá nhiều, họ có khuynh hướng coi người khác nếu không phải là những người ngu thì cũng là những người lưu manh, họ hoài nghi tất cả những nguồn tư tưởng. Theo với thời gian họ phát triển khoa học; toán học nảy sinh nhờ sự giao hoán, thiên văn học nảy sinh với nhu cầu hàng hải. Với sự phát triển nền kinh tế, con người có nhiều thì giờ nhàn rỗi, được hưởng nhiều tiện nghi trong một không khí trật tự và an ninh. Đó là những điều kiện tiên quyết để nghiên cứu và suy tư. Người ta nhìn vào các ngôi sao trên trời không những để tìm phương hướng cho chiếc tàu đang lênh đênh trên mặt biển mà còn để tìm bí mật của vũ trụ: những triết gia Ha lạp đầu tiên là những nhà thiên văn. Aristote nói rằng sau khi thắng cuộc chiến tranh, các người Hy lạp tìm cách phát huy chiến quả và mở rộng nỗ lực vào nhiều lãnh vực khác. Người ta cố tìm những lời giải đáp cho những bài toán trước kia được giao phó cho các thần linh quản trị, những tế lễ tà thuyết nhường bước cho khoa học, triết lý bắt đầu từ đó.
          Khởi đầu triết lý là một môn học có tính cách vật lý, người ta quan sát thế giới hữu hình với hy vọng tìm thấy yếu tố khởi thuỷ của tất cả vạn vật. Một lối giải đáp tự nhiên là thuyết duy vật của Démocrite (460 - 360 tTL). Démocrite nói rằng: "trong vũ trụ chỉ có nguyên tử và hư không", đó là nguồn tư tưởng chính của Hy lạp, người ta lãng quên nó trong một thời gian nhưng nó lại được sống dậy với tư tưởng của Epicure (342-279 tTL) và Lucrèce (98-55 tTL). Tuy nhiên khía cạnh quan trọng nhất và đặc sắc nhất của nền triết học Hy lạp được thể hiện trong tư tưởng của những nguỵ luận gia đó là những người đi lang thang rày đây mai đó để tuyên truyền cho chủ nghĩa của mình, họ gắn bó với tư tưởng của mình hơn tất cả mọi vật trên đời. Phần đông họ là những người rất thông minh hoặc rất thâm thuý, họ bàn cãi về tất cả những vấn đề mà người đương thời thắc mắc, họ đặt câu hỏi cho tất cả các vấn đề, họ không sợ đụng chạm đến các tôn giáo hoặc các tư tưởng chính trị của các vua chúa, họ mạnh dạn chỉ trích tất cả các định chế xã hội hoặc lý thuyết chính trị trước công luận. Về mặt chính trị họ được chia làm hai phái. Một phái giống như Rousseau cho rằng thiên nhiên là tốt, văn minh xã hội là xấu, trong thiên nhiên tất cả mọi người đều bình đẳng và con người trở nên bất bình đẳng với các định chế xã hội, luật lệ là những phát minh của những kẻ mạnh để trói buộc và thống trị kẻ yếu. Một nhóm khác giống như Nietzsche cho rằng thiên nhiên vượt ra ngoài phạm vi của cái xấu và cái tốt, trong thiên nhiên con người đã mất bình đẳng, luân lý là một phát minh của kẻ yếu để giới hạn và doạ nạt kẻ mạnh, sức mạnh là nền đạo đức tối thượng và sự ao ước tối thượng của con người, và chế độ chính trị cao đẹp nhất hợp thiên nhiên nhất là chế độ quý tộc.
          Sự tấn công tư tưởng dân chủ là phản ảnh của sự thịnh vượng của một nhóm người giàu có ở Athènes họ tự lập một đảng gọi là lực lượng những người ưu tú. Đảng này chỉ trích tư tưởng dân chủ là vô hiệu lực. Thật ra cái dân chủ mà họ chỉ trích khác xa cái dân chủ mà chúng ta quan niệm ngày hôm nay. Trong số 400 ngàn dân của Athènes, đã có 250 ngàn thuộc vào hạng nô lệ bị tước đoạt tất cả quyền chính trị, trong số 150 ngàn người còn lại chỉ có một thiểu số được đại diện tại quốc hội để bàn cãi và quyết định về các vấn đề của quốc gia. Tuy nhiên cái nền dân chủ còn lại đó là một nền dân chủ có thể nói là hoàn hảo nhất từ xưa đến nay. Quốc hội có quyền tối thượng và là cơ quan tối cao của quốc gia, tối cao pháp viện gồm trên 1000 thẩm phán (để làm nản lòng những kẻ hối lộ), số thẩm phán này được tuyển chọn theo thứ tự ABC trong danh sách của toàn thể công dân. Không một chế độ chính trị nào dám thực hành tư tưởng dân chủ đi xa đến mức độ ấy.
          Trong cuộc chiến tranh giữa Sparte và Athènes (430 - 400 tTL) lực lượng các người ưu tú của Athènes do Critias lãnh đạo, chủ trương nên bãi bỏ chế độ dân chủ vì cho đó là mầm mống của cuộc chiến bại và thành lập một chính thể giống như chính thể quý tộc của thành Sparte. Kết quả là nhiều lãnh tụ của lực lượng bị lưu đày. Sau khi chiến tranh chấm dứt với sự đầu hàng của Athènes, một trong các điều kiện đình chiến là phải đại xá cho những người trong lực lượng bị lưu đày. Những người này tôn Critias làm minh chủ và lăm le đảo chánh để thành lập một chính phủ của lực lượng ưu tú. Cuộc đảo chánh thất bại, Critias tử trận. Critias là môn đệ của Socrate và có họ hàng với Platon.
Nguyên tác : The Story of Philosophy - Will Durant 
Dịch: Bùi Văn Nam Sơn

Thức tỉnh - 8. BÁC ÁI NGỤY TRANG

Bác ái thật ra chỉ là sự vị kỷ giả dạng dưới chiêu bài vị tha. Bạn bảo rằng không bao giờ mình có thể giả dối khi mà mình đang thật sự cố gắng để yêu thương và thành tín? Nào bạn hãy để tôi giản lược vấn đề này. Ta hãy giản lược tối đa nhé. Thậm chí ta hãy rút nó lại một cách gọn nhất có thể, ít nhất là để làm bước khởi đầu. Có hai loại ích kỷ. Loại thứ nhất là ta dành cho mình cái khoái lạc của việc làm thỏa mãn chính mình. Ta thường gọi loại ích kỷ nầy là qui ngã. Loại thứ hai là ta dành cho mình cía khoái lạc được làm thỏa mãn người khác. Đây là một loại ích kỷ tinh tế hơn.

Loại ích kỉ thứ nhất rất rõ ràng, dễ thấy; ngược lại loại thứ hai rất kín ẩn, khó thấy và do đó nguy hiểm hơn. Bơi vì trong trường hợp này ta dễ cảm thấy mình rất cao thượng. Nhưng mổ xẻ tới cùng thì té ra ta chẳng cao thượng tí nào. Kìa, bạn muốn phản đối điều tôi vừa nói đấy ư? Tốt lắm.
Này, thưa bà, bà bảo rằng trong trường hợp của bà – bà sống một mình, lui tới nhà xứ và dành một số giờ để phục vụ. Nhưng bà cũng thừa nhận rằng bà làm thế bởi một lý do ích kỷ - bởi nhu cầu được đòi hỏi của bà – và bà cũng biết rằng bà cần được người ta đòi hỏi theo một cách thế sao cho bà cảm thấy được rằng mình đang đóng góp chút đỉnh gì đó cho đời. Bà cũng phân trần rằng người ta cũng cần bà làm thế đấy chứ, có qua có lại mà!
Bà gần hiểu ra rồi đấy! Chúng tôi phải học với bà. Đúng vậy. Người ta có lý khi bảo: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Khi tôi đi cứu tế, tôi cho một cái gì đó, tôi nhận một cái gì đó. Như vậy là đẹp. Như vậy là đúng và là thực tế. Song như vậy không phải bác ái mà chỉ là sự vị kỷ sáng suốt.
Còn ông, thưa ông, ông xét nét rằng Tin Mừng Đức Giesu nói cho cùng cũng là một thứ Tin Mừng vụ lợi. Chúng ta thực thi bác ái để đạt được sự sống vĩnh cửu. “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta đã chúc phúc, vì khi Ta đói – các ngươi đã cho ta ăn”, v.v… Ông bảo vậy thì có khác gì điều tôi đã nói ở trên. Ông còn bảo khi ta nhìn Đức Giesu, ta thấy cá hành vi tế độ của Ngài là những hàng vi vô cùng vụ lợi, những hàng vi nhằm chinh phục các linh hồn cho đời sống vĩnh cửu. Ông thấy rằng tất cả ý nghĩa cuộc sống không gì ngoài việc tìm kiếm điều lợi cho mình qua những hành vi bác ái.
Ông nói vậy cũng được thôi. Nhưng ông đã ăn gian rồi đấy – bởi ông đã lôi tôn giáo vào đây. Giá như ta dành việc đề cập đến Phúc Âm, đến Kinh Thánh, đến Đức Giêsu co phần cuối của cuộc tĩnh tâm này. Bây giờ mà đề cập nhiều thì vấn đề càng rối rắm hơn đấy. “Ta đói các ngươi cho ta ăn; Ta khát các người cho uống…”, và họ đã trả lời ra sao? “Có khi nào? Có khi nào chúng tôi thấy Ngài đói khát mà cho ăn cho uống đâu?” Nghĩa là họ đã làm mà chính họ không biết! Đôi khi tôi có ý kỳ cục là: khi vị vua nói “Vì Ta đói các ngươi đã cho ta ăn” thì đám người bên phải nhao nhao lên: “Đúng là vậy. Lạy Chúa. Chúng tôi biết rõ mà!”, thế là vị vua chưng hửng: - “Ta không nói chuyện với các ngươi. Các ngươi nói bậy rồi. Các ngươi phải nói mình không biết mới đúng”. Ông thích thú với mẩu chuyện này à? Nhưng ông cũng thuộc trong số “chúng tôi biết rõ” đó đấy. Ông biết rõ cái khoái lạc bên trong khi ông thực hiện những hành vi bác ái. Ha ha! Quả là đối ngược hẳn với những kẻ thưa lên như vầy: “Tôi có làm gì lớn lao lắm đâu. Tôi có cho đi thì tôi cũng có nhận lại. Tôi không hề có ý nghĩ rằng mình đã làm việc gì tốt. Tay trái tôi chẳng hay biết việc tay phải tôi làm”. Ông nên nhớ điều này, một việc tốt chỉ đang kể là tốt khi ông không ý thức rằng mình đang làm một điều tốt. Chẳng bao giờ ông tốt cho bằng lúc ông không biết rằng ông tốt. Hay như vị Suji vĩ đại (nhà thần bí đạo Hồi) đã nói: “Một vị thánh là một vị thánh cho tới khi vị ấy biết mình là một vị thánh”. Vô ngã! Vô ngã!
Có người sẽ lý luận: “Khoái lạc mà tôi nhận được khi tôi cống hiến – đó chẳng phải là sự sống vĩnh cửu ở ngay đây là lúc nầy sao?”. Tôi không biết. Tôi chỉ biết gọi đó là khoái lạc thôi chứ không bận tâm đến một tên gọi nào khác có thể có của nó. Chuyện đó hãy đợi sau này, khi chúng ta đi vào lãnh vực tôn giáo. Nhưng tôi muốn nói ngay từ đầu rằng tôn giáo không nhất thiết phải gắn liền với linh đạo. Tôi nhắc lại là không nhất thiết. Vì thế, xin đừng lôi kéo tôn giáo vào chỗ nầy.
À, bạn sẽ nêu vấn nạn: “Vậy thì nên nghĩ sao về chuyện người lính nằm đè lên trái lựu đạn để cứu những người khác? Nên nghĩ sao về chuyện người nọ leo lên một chiếc xe cam nhông chở đầy chất nổ và lao vào trại lính Mỹ ở Beirut?” Nên nghĩ sao ư? “Không ai có tình yêu mãnh liệt hơn tình yêu của anh ta”. Nhưng những người lính Mỹ thì sẽ không nghĩ như thế. Họ sẽ bảo rằng việc làm của anh ta có chủ ý gì đó. Bạn cho rằng sự việc thật hãi hùng cho anh ta phải không? Nhưng tôi bảo đảm với bạn là anh ta không nghĩ như vậy. Anh ta nghĩ rằng anh đang đi vào thiên đàng. Và cũng tương tự vậy, chuyện người lính nằm đè lên trái lựu đạn.
Tôi đang cố minh họa một hành động mà trong đó không còn có cái tôi, trong đó bạn đã thức tỉnh và những việc bạn làm là những việc được làm qua bạn. Nghĩa là, đó là những sự xảy ra đúng hơn là những việc làm. “Việc đó hãy được làm nơi tôi”. Tôi không từ chối nó. Còn hễ tôi làm việc đó thì tôi đã cho thấy có sự ích kỷ trong hành vi của tôi. Sự ích kỷ ấy đã có khi chỉ là: “người ta sẽ tưởng nhớ tôi như một vị đại anh hùng” hoặc là: “tôi không thể sống được nếu như tôi không làm điều đó; tôi không thể sống được với cái ý nghĩ là tôi đã bỏ chạy”. Song xin bạn nhớ cho là tôi không bảo rằng không bao giờ có loại hành động trong đó không có cái tôi. Có thể lắm chứ. Bạn sẽ bảo: “trường hợp một người mẹ cứu một đứa con – đứa con của bà – thì sao?” Thì thử giải thích xem tại sao bà không cứu đứa con của người hàng xóm! Vấn đề là ở chỗ “đứa con của bà”. Trường hợp một người lính hi sinh cho tổ quốc cũng vậy; đó là tổ quốc của anh ta. Nhiều cái chết kiểu đó làm tôi suy nghĩ mãi. Tôi tự hỏi: “Phải chăng đó là kết quả của sự tẩy não?”. Các vị tử đạo cũng quấy rầy tôi. Tôi tưởng tượng các vị ấy đã bị tẩy não. Các vị rử đạo của Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Kitô giáo… đều đã bị tẩy não!
Các vị nầy luôn mang trong đầu cái suy nghĩ rằng họ phải chết và chết mới là một điều cao cả. Họ nhửng nhưng đi thẳng vào cái chết. Tuy nhiên xin nhớ cho là tôi không bảo hết thảy các vị ấy đều như vậy. Và tôi cũng không loại trừ khả năng hết thảy các vị ấy đều như vậy. Họ đã được tẩy não đến độ sẵn sàng chết. Đôi khi tôi tự nhủ cái quá trình mà chúng ta dùng để đào luyện một vị thánh – chẳng hạn thánh Phanxicô Xaviê – có lẽ cũng không khác gì cái quá trình để đào luyện một tên khủng bố. Người ta có thể làm một cuộc linh thao 30 ngày và trở về với ngọn lửa tình yêu Đức Kitô bừng cháy mà vẫn không hề có chút tự giác nào. Không chừng họ có thể trở thành một xì căng đan lớn. Họ nghĩ mình là đại thánh. Tôi không có ý bôi bác thánh Phanxicô Xaviê ở đây, ngài có lẽ là một vị đại thánh thật, song ngà cũng chỉ là một vị bề trên rất dở. Thật đấy. Thử ngiên cứu lịch sử của ngài mà xem. Thánh Inhaxio vẫn thường xuyên phải can thiêtpj vào để cứu vãn những tai hại mà con người tốt lành này gây ra do sự bất bao dung của mình. Bạn cần phải bất bao dung nhiều nữa mới mong đạt được điều mà thánh Phanxicô Xaviê đã đạt được. Cứ lên đường, xông lên thẳng tiến – dẫu cho bao xác người gục chết hai bên đường. Thánh Phanxicô Xaviê bị phê phán cũng chính là ở điểm này. Ngài thường tống cổ người ta ra khỏi dòng và những người này đã khiếu nại với thánh Inhaxiô, đấng vẫn thường bảo: “Mời bạn về Rôma để chúng ta thảo luận chuyện đó”. Và thánh Inhaxiô đã kín đáo nhận họ trở lại. Bạn tìm thấy được bao nhiêu sự tự giác trong trường hợp nầy? Và ai đúng ai sai ta cũng chẳng biết.
Tôi không phủ nhất có thể có những động cơ tinh tuyền. Tôi chỉ nói rằng thường mọi việc ta làm đều nằm trong mục đích vụ lợi. Mọi việc, không trừ việc nào. Khi bạn làm một điều gì đó vì tình yêu Đức Kitô, vậy có phải là ích kỷ không? Phải, nó là ích kỷ. Cũng vậy, bạn đang vụ lợi khi bạn hành động vì tình yêu tha nhân. Tôi xin giải thích điều này.
Giả sử bạn đang sống ở Phoenix và nuôi trên 500 trẻ mỗi ngày. Bạn có một cảm giác hài lòng về công việc đó chứ? Và hẳn là bạn không muốn có lúc nào phải khó chịu vì công việc đó phải không? Thế mà nhiều khi nó làm bạn khó chịu đấy. Và một số người vẫn làm việc này việc nọ để không phải bị những cảm giác khó chịu. Họ gọi đó là bác ái. Không ai bắt bẻ gì được về hành động của họ. Nhưng đó không phải là tình yêu. Dầu sao cũng cám ơn Chúa vì bạn đang làm việc cho con người và vì công việc ấy cũng thích thích. Hết sẩy! Bạn là một người lành mạnh vì bạn “ích kỷ”. Lành mạnh thật đấy.
Tôi xin tóm lại điều tôi đang nói về đức ái vô vụ lợi. Tôi đã nói là có hai loại ích kỷ; song lẽ ra phải nói là ba. Loại thứ nhất, khi tôi làm điều gì đó – hay đúng hơn – khi tôi dành cho mình cái khoái lạc của việc thỏa mãn chính mình; loại thứ hai, khi tôi dành cho mình cái khoái lạc của việc thỏa mãn người khác. Đừng tự mãn về điều đó. Đừng tưởng mình đã trở nên một đại nhân. Bạn vẫn là một người rất bình thường thôi, có điều bạn có được những sở thích tao nhã. Sở thích của bạn tốt thật nhưng sở thích không phải là tiêu chuẩn để đánh giá linh đạo của bạn. Thuở còn bé bạn khoái coca-cola; bây giờ cao niên, bạn thích uống bia lạnh vào những ngày nóng bức. Nghĩa là bây giờ có những sở thích tốt hơn. Tuy nhiên, đàng nào bạn cũng tìm khoái lạc của bạn thôi, khác chăng là bây giờ khoái lạc ấy của bạn nằm trong cái khoái lạc làm vui lòng người khác. Rồi bạn sẽ có loại ích kỷ thứ ba – loại ích kỷ tệ hại nhất: Bạn làm điều tốt để tránh cảm giác khó chịu. Bạn bực dọc chứ không khoan khoái để làm nó. Bạn ghét nó. Bạn vừa hy sinh vừa quằm rằm. Ấy! Bạn chưa biết mình bao nhiêu đâu nếu bạn cho rằng mình không phải là người như vậy.
Nếu tôi được một đô la mỗi khi tôi làm những việc khiến mình khó chịu thì bây giờ tôi đã là triệu phú mất rồi. Tôi sẽ gợi cho bạn hiểu cách nó diễn biến nhé: - “Thưa cha, tối nay con có thể gặp cha được không ạ?”“Ừ, con cứ đến”. Tôi không muốn gặp anh ta nữa. Tối nay tôi muốn xem truyền hình, nhưng làm sao tôi có thể nói “không” với anh ta được? Tôi không có can đảm từ chối. “Con cứ đến”, miệng nói thế nhưng lòng tôi nghĩ: “Chúa ơi, con lại phải chịu đựng nỗi khổ này”.
Gặp anh ta tôi bực mình lắm, mà nói “không” với anh ta tôi cũng bất an – tôi chọn điều dữ ít hơn giữa hai điều dữ: “Ừ, con cứ tới”. Tôi thầm mong chuyện này chóng xong, và để được thế, tôi rắp tâm sẽ làm bộ mặt thật lạnh. Thế nhưng, lại trật đường rầy: - “Khỏe không con?” – “Khỏe lắm ạ”, anh ta trả lời và cứ thế huyên thiên chuyện không đầu không đuôi trong lúc tôi sốt cả ruột: Trời đất! Không biết bao giờ anh ta mới đi vào vấn đề - và tôi nói với anh ta ẩn ý muốn chấm dứt câu chuyện: - “Chà, vấn đề ấy không có chi rắc rối”. Rồi tôi bảo anh ta về. “Úi chà, thoát được của nợ”, tôi tự nhủ. Sáng hôm sau, lúc điểm tâm – (bứt rứt vì mình đã xử sự thô lỗ) – tôi đến gần anh ta và bảo: - “Đỡ không con?” Anh ta đáp: - “Ổn rồi cha ạ”, và anh ta còn thêm: - “Thưa cha, những điều cha dạy con tối qua đã thực sự giúp con. Vậy hôm nay sau cơm trưa con gặp cha được không ạ?” Trời đất ơi!

Bạn hành động để khỏi bứt rứt; đó là loại bác ái tệ hại nhất. Bạn không có can đảm để nói toạc ra rằng bnạ muốn được ở một mình. Bạn muốn được người ta ngĩ bạn là một linh mục tốt! Bạn giải thích rằng vì bạn không muốn làm khổ người khác à? Thôi đi, tôi không tin đâu. Tôi không tin bất cứ kẻ nào tuyên bố rằng mình không muốn làm khổ người khác. Bởi chúng ta muốn làm khổ người khác, đặc biệt một số người nào đó. Chúng ta thích vậy. Và chúng ta vui mừng khi thấy có ai đó đang gieo tai rắc họa cho người khác. Chúng ta không muốn tự mình ra tay hành khổ thiên hạ chỉ vì chúng ta sợ cắn rứt! A, vấn đề là thế đó. Sở dĩ chúng ta không hành khổ người ta là vì chúng ta muốn giữ thanh danh, giữ cảm tình và muốn tránh búa rìu dư luận.
Awareness (Thức tỉnh) - Anthony De Mello

CÂU CHUYỆN TRIẾT HỌC - Will Durant (Bùi Văn Nam Sơn dịch)

          Thật tài tình và thú vị khi Will Durant (1886-1981) đặt tên cho công trình lịch sử triết học của mình là “The Story of Philosophy”. Lịch sử triết học vốn khét tiếng là khô khan và nhức đầu! Will Durant có cái nhìn khác: nó rất hấp dẫn, lôi cuốn, nhất là với những ai có tính tò mò, “ham chuyện” như chúng ta. Với ông, ở đây ta có một câu chuyện thật gay cấn và đáng để được kể lại cho nhiều người nghe dưới hình thức một câu truyện!

          Viết lịch sử triết học như một câu truyện là nghệ thuật cao cường của tác giả. Dễ hiểu tại sao “Câu truyện” này lại thành công ngoạn mục đến thế! Từ khi ra mắt vào năm 1926, trong vòng 40 năm (1976), tác phẩm đã được tái bản đến 28 lần, và đến nay không biết đã tái bản lần thứ bao nhiêu! Công trình không chỉ mang lại tiếng tăm rộng rãi cho tác giả mà, từ lần xuất bản đầu tiên, đã giúp tác giả có đủ phương diện tài chính để cùng bà vợ yêu (vốn là một học trò cũ khi W. Durant còn dạy học ở New York) du khảo khắp năm châu ngay từ năm 1927, và trong suốt 40 năm trời, cùng nhau hoàn thành thêm công trình đồ sộ có một không hai: 11 tập cho một “Câu truyện” rộng hơn: “The Story of Civilization” (New York - 1935-1975) (Câu truyện lịch sử văn minh (thế giới)) mà bản thân ông gọi là một “Integral History” (một “Tổng sử” của loài người!). Các công trình ấy - cùng với nhiều tác phẩm khác cũng nổi tiếng không kém, nhất là các quyển “The Lessons of History”/Các bài học của lịch sử, 1968 và Interpretation of Life: A Survey of Contemporary Literature/Lý giải cuộc đời: Tổng quan văn học đương đại, 1970 - đã làm cho tên tuổi hai ông bà Will Durant và Ariel Durant trở thành bất tử như một cặp tình nhân-học giả tuyệt đẹp và hiếm có xưa nay.

          Tuy nhiên, Will Durant, xuất thân là một ông nghè triết học của đại học Columbia, Hoa Kỳ từ năm 1917, không chỉ khéo léo về phương pháp viết lịch sử triết học như một Câu truyện mà còn có đủ thẩm quyền chuyên môn để hiểu bản chất của lịch sử triết học (Tây phương) như một câu chuyện. Đó quả là một câu chuyện đúng nghĩa vì đầy những tình tiết éo le, những thăng trầm kịch tính, những đường chim nẻo nguyệt của tâm thức con người được chưng cất ở mức độ đậm đặc nhất. Và cũng chính vì được chưng cất ở mức độ đậm đặc nhất, nên tác giả - với tư cách một nhà giáo chuyên nghiệp và hơn thế nữa, một chiến sĩ xã hội ngay từ 1905 luôn đấu tranh cho quyền lợi và quyền học vấn của người lao động - thấy mình có vai trò và trách nhiệm làm người trung gian giữa cuộc “đại đối thoại” của các “thốn tâm thiên cổ” (“tấc lòng để nghìn đời”) ấy với quảng đại quần chúng. Trong Lời Tựa với nhan đề “Về các lợi ích của Triết học” (tiếc rằng không có trong bản dịch này), ông viết: “Tri thức con người đã trở nên quá rộng đến độ không thể xử lý nổi…: kính viễn vọng phát hiện những ngôi sao và những thiên hà mà đầu óc con người không thể đếm xuể hay đặt tên; địa chất học nói về hàng triệu năm, trong khi trước đây ta chỉ nghĩ đến con số hàng nghìn; vật lý học tìm ra cả một vũ trụ trong nguyên tử, còn sinh vật học tìm ra một tiểu vũ trụ trong tế bào; sinh lý học phát hiện sự huyền vi khôn lường trong từng mỗi cơ quan và tâm lý học trong từng mỗi cơn mơ; nhân loại học tái tạo thời tiền sử của con người; khảo cổ học khai quật những đô thành đã bị tan thành mây khói và những xứ sở đã bị lãng quên; sử học chứng minh bao câu chuyện là sai… còn thần học thì đang đổ vỡ…”.

          “Tri thức con người đã trở nên quá lớn đối với trí tuệ con người. “Những sự kiện” đã thế chỗ cho sự cảm thông và kiến thức - vỡ vụn ra thành hàng nghìn mảnh - không còn là sự minh triết được tích hợp lại nữa rồi. Môn khoa học nào và chuyện ngành triết học nào cũng phát triển một thuật ngữ chuyên môn chỉ dành riêng cho một ít kẻ đặc tuyển: người càng học rộng hiểu nhiều càng không biết làm cách nào để giãi bày cho đồng bào mình những gì mình đã học được.”

          Vì thế, với tấm lòng chân thành và cởi mở của một học giả đích thực, W. Durant xác định rõ mục đích của quyển sách này là làm cho người bình thường hiểu được những ý tưởng cao xa của triết học. Ông xem khoa học như là sự “phân tích”, còn triết học như là sự “tổng hợp”. Vì thế, ông kết luận: “Khoa học là sự mô tả kiểu phân tích, trong khi triết học là sự lý giải kiểu tổng hợp. Vì lẽ, một sự kiện không bao giờ là hoàn chỉnh trừ khi được đặt vào mối quan hệ với một mục đích và với cái toàn bộ. Khoa học mang lại cho ta kiến thức, nhưng chỉ có triết học mới có thể cho ta sự hiền minh”.


          Sự “hiền minh” đối với một người đọc bình thường như chúng ta là không việc gì phải khổ sở vò đầu bứt tóc trước những thuật ngữ tối tăm và những lập luận rắc rối của các triết gia! Nhưng cũng sẽ thiếu… hiền minh nếu bỏ lỡ cơ hội được nghe kể một câu chuyện tâm tình dài dòng mà hấp dẫn, để ít ra được an ủi rằng các đầu óc vĩ đại nhất của nhân loại cũng có những băn khoăn, thắc mắc chẳng khác gì mình, chỉ có điều họ có thể kết chúng lại thành một chuỗi lấp lánh những hạt ngọc hiền minh đáng cho chúng ta suy ngẫm. Tôi xin hiến ngay ở đây cho bạn đọc một vài hạt ngọc dễ dàng tìm được trong bộ sách này (Bộ sách gồm hai tập. Bản dịch này chỉ mới là tập I từ Platon đến Nietzsche; tập II giới thiệu triết học hiện đại Âu Mỹ gồm các tác giả: Henri Bergson, Benedetto Croce; Bertrand Russell, George Santayana, William James, John Dewey và một bài “kết luận” rất ý vị khi so sánh hai “tính khí” khác nhau: Mỹ: cá nhân chủ nghĩa và ham hố # Châu Âu: trầm tư và nghệ sĩ):

          Chắc ta đồng ý với Plato rằng các chính khách cầm quyền cần được huấn luyện kỹ lưỡng như khi đào tạo một bác sĩ y khoa!

Aristotle: biết bao cuộc tranh luận dài dòng có thể tóm tắt thành một đoạn ngắn nếu các kẻ tranh luận dám định nghĩa rõ ràng chữ nghĩa của họ!

Francis Bacon: Môn giả kim đã trở thành hóa học, môn chiêm tinh đã trở thành thiên văn học và các câu chuyện thần thoại về những con vật biết nói đã trở thành môn động vật học!

Spinoza: Thù ghét là thừa nhận sự yếu kém và sự sợ hãi của mình. Ta đâu có thèm thù ghét một kẻ thù mà ta biết chắc là sẽ dư sức đánh thắng!

Voltaire: Thượng đế tạo ra đàn bà chỉ là để thuần phục đàn ông! (“mankind” ở đây là “đàn ông” hay cả… nhân loại?!).

Kant: đối diện với cám dỗ, ta có “mệnh lệnh luân lý” ở trong ta như là lời mách bảo của lương tâm!
Hegel: Ý tưởng hay tình huống nào trong thế gian cũng đều nhất định dẫn tới cái đối lập của nó, rồi hợp nhất với nó để tạo ra một toàn bộ cao hơn hay phức tạp hơn!

Schopenhauer: Dẫn đạo thế giới là ý chí, vì thế mà có nỗ lực, có bi kịch. Ý chí là bản chất của con người!
Herbert Spencer: sáng chế ra mấy chữ: “đấu tranh sinh tồn” và “ưu thắng liệt bại”. Có thể dùng chúng để giải thích mọi sự mọi vật!

Nietzsche: Nếu thế, thì sự cứng rắn sẽ là đức tính tối thượng, còn yếu đuối là sai lầm duy nhất!

Henri Bergson: trước nay, ta chỉ là chiếc đinh ốc trong cổ máy vô hồn; bây giờ, nếu muốn, ta có thể tham gia viết một chương trong vở kịch của sự sáng tạo!

Benedetto Croce: Cái đẹp là sản phẩm tinh thần về một hình ảnh (hay một chuỗi hình ảnh) chộp được bản chất của sự vật được nhìn thấy!

Bertrand Russell: Hận thù và chiến tranh phần lớn là do những định kiến và lòng tin giáo điều!

George Santayana: Các cuộc cải cách luôn có các kết quả nước đôi, vì chúng tạo ra các định chế mới, mà hễ có định chế mới thì ắt có những sự lạm dụng mới!

William James: Các kết quả sẽ trắc nghiệm các ý tưởng!

John Dewey: trong xã hội công nghiệp, nhà trường nên là một công trường và một cộng đồng thu nhỏ; nên dạy học bằng thực hành và bằng việc “thử và sai”. Cần nhận thức lại về giáo dục: giáo dục không đơn thuần là một sự chuẩn bị cho sự trưởng thành mà như là một sự tăng trưởng không ngừng của đầu óc và một sự khai minh liên tục về cuộc đời”…

Bạn đọc còn có thể tìm thấy nhiều hạt ngọc hiền minh hơn nữa trong quyển sách này, và đó cũng đủ là lý do để tất cả chúng ta biết ơn tác giả và nhất là hai dịch giả Trí Hải và Bửu Đích (Nha Tu thư và Sưu khảo, Viện Đại học Vạn Hạnh, In lần thứ nhất, Sài Gòn, 1971) đã cung cấp cho bạn đọc tiếng Việt một bản dịch tuyệt vời.


Giáng sinh 2007
Bùi Văn Nam Sơn

Thức tỉnh - 7. HÃY LẮNG NGHE VÀ HÃY ĐÀO THẢI

Một số trong chúng ta đã nhờ những thực tế nghiệt ngã của cuộc sống mà thức tỉnh. Khổ quá nên chúng ta thức tỉnh. Nhưng thiên hạ thì vẫn tiếp tục lao đầu mãi vào cuộc đời. Họ vẫn tiếp tục mộng du. Họ chẳng bao giờ thức tỉnh. Bi đát thay, họ không bao giờ buồn đặt lại vấn đề. Họ không bao giờ nghĩ rằng chắc hẳn có một con đường tốt hơn. Nhưng còn bạn, nếu như cuộc sống đã không quần cho bạn dập dụi – và do đó bạn đã không có dịp đau khổ đủ - thì vẫn còn một cách khác: Hãy lắng nghe. Tôi không có ý bảo rằng bạn phải nhất trí với điều tôi đang nói. Bởi như vậy không phải là lắng nghe. Thật đấy, chuyện bạn đồng ý hay không đồng ý cũng chẳng quan trọng. Vì vẫn đề nhất trí và không nhất trí còn tùy thuộc ở ngôn từ, ý niệm và lý thuyết. Chúng không ăn nhằm gì đến chân lý. Chân lý không thể bị nhốt trong ngôn từ. Chân lý được người ta nhận thức cách bất chợt, như một kết quả rút được từ một thái độ nào đó. Vì vậy bạn có thể không đồng ý với tôi mà vẫn nhận thức được chân lý. Song cũng cần có một thái độ cởi mở, sẵn sàng để có thể phát hiện ra sự gì mới mẻ. Đó mới thật là điều quan trọng, chứ không phải vấn đề bạn đồng ý hay không đồng ý với tôi. Sau hết, phần lớn những chuyện tôi chia sẻ với bạn ở đây thực ra chỉ là lý thuyết. Mà chẳng có lý thuyết nào tương xứng đủ với thực tại. Vì thế điều tôi có thể nói với bạn không phải là chân lý. Tôi chỉ có khả năng mô tả những trở ngại trên đường đạt đến chân lý thôi chứ làm gì có khả năng mô tả chính chân lý. Nói chung là ai cũng vậy. Tất cả điều tôi có thể làm là mô tả nhứng sai lầm của bạn – để bạn có thể rứt khỏi chúng. Tất cả điều tôi có thể làm là thách thức những điều tin tưởng của bạn và thách thức cái hệ thống niềm tin đã gây bất hạnh cho bạn. Nói cách khác, tất cả điều tôi có thể làm cho bạn là giúp bạn đào thải. Tất cả linh đạo mà bạn phải học tựu trung là: đào thải. đào thải gần như mọi thứ bạn đã học. Nhiệt tình đào thải và nhiệt tình lắng nghe.
Có phả bạn đang lắng nghe, như đa số người ta, để củng cố những gì mình đã nghĩ sẵn rồi? Hãy quan sát những phản ứng của bạn khi tôi nói chuyện. bạn giật mình, sửng sốt, giận dữ, bực bội, thất vọng. Hoặc giả bạn thốt lên: “Tuyệt vời”.
Hóa ra là bạn lắng nghe để củng cố cái có rồi chứ không phải để khám phá điều mới mẻ? Sự phân biệt nầy rất quan trọng. Và đối với người đang ngủ thì việc nhận ra điều mới mẻ quả là gay go. Đức Giesu đã công bố Tin Mừng, thế mà Ngài bị từ khước. Dĩ nhiên là không phải vì đó là Tin Mừng mà vì đó là tin mới mẻ. Chúng ta kỵ sự mới mẻ. Và thực trạng này càng sớm được nhìn nhận bao nhiêu thì càng ích lợi bấy nhiêu. Chúng ta không muốn những điều mới mẻ, nhất là khi chúng quấy rầy ta, bắt ta phải thay đổi. Và ta càng không ưa chúng nếu chúng bắt ta phải thú nhận rằng: “Tôi đã sai lầm”. Tôi nhớ lần gặp gỡ một tu sĩ dòng Tên 87 tuổi tại Tây Ban Nha; ngài đã có thời từng là giáo sư và bề trên của tôi ở Ấn Độ cách đây ba hay bốn mươi năm. Lần ấy cũng là một khóa thảo luận, ngài bảo: “Ồ, giá mà cách đây 60 năm tôi được nghe cha nói chuyện. Cha hiểu được điều gì đó còn tôi thì sai lầm suốt cả đời”. Ôi, có Chúa chứng giám. Tôi như chiêm ngắm 1 kỳ quan của thế giới. Đấy, đức tin đấy, thưa quý bà quý ông kính mến. Đức tin là sự mở lòng mình ra trước chân lý – còn chuyện nó đưa đến kết quả gì, nó dẫn bạn đi đâu không quạn trọng. Thậm chí dù bạn không biết nó đang đẩy bước chân trước mặt bạn về đâu cũng không quan trọng. Đức tin là thế đấy. Tôi nói “đức tin” chứ không nói “niềm tin”. Niềm tin sẽ đem lại cho bạn nhiều yên ổn nhưng đức tin thì không. Tin là bất ổn. Bạn sẽ không biết, không hiểu chi cả. Bạn cứ phải sẵn sàng bước theo và mở lòng ra, mở rộng lòng ra. Bạn cứ phải sẵn sàng để lắng nghe. Nhưng xin bạn lưu ý, mở rộng lòng ra không có nghãi là cả tin, không có nghĩa là ngốn lấy bất cứ cái gì người ta nói. Ồ, nhất định không phải thế! Bạn phải dám cật vấn về mọi điều tôi nói chứ. Nhưng hãy cật vấn trong thái độ cởi mở chứ không vì ngoan cố, bướng bỉnh. Và hãy cật vấn tất cả. hãy nhớ lại lời dạy đầy thú vị của Đức Phật: “Cá tăng lữ và các học giả đừng đón nhận lời Ta vì kính trọng, song hãy phân tích những lời ấy như cách người thợ kim hoàn thử vàng – là cắt, cạo, chà và nung chảy ra”.

Khi bạn làm thế là bạn đang lắng nghe đấy. Và như vậy bạn đã tiến thêm một bước quan trọng trên đường thức tỉnh. Bước đầu tiên, như đã nói trên, là sẵn sàng chấp nhận rằng mình không muốn thức tỉnh, không muốn hạnh phúc. Đừng quên rằng có đủ thứ trở lực trong chính con người bạn chống lại sự sẵn sằng đó. Bước thứ hai là thái độ sẵn sàng để hiểu, để lắng nghe, để chất vấn toàn bộ hệ thống những điều tin tưởng của bạn. Không chỉ xét lại những niềm tin tôn giáo, chính trị, xã hội, tâm lý của bạn mà là xét lại tất cả. Tóm lại, đó là một thái độ sẵn sàng để đánh giá lại tất cả, như trong cách nói ẩn dụ trên đây của Đức Phật. Và đây tôi sẽ cung cấp cho bạn nhiều hoàn cảnh để làm việc đó.


Awareness (Thức tỉnh) - Anthony De Mello

Chuyện xưa chuyện nay - SOCRATES VÀ NGHỆ THUẬT ĐỐI THOẠI


          Ông là người thầy của phương pháp làm triết học và khoa học. Hơn thế, ông là tượng đài lẫm liệt của nhân cách: nhân cách của người trí thức đích thực. Vậy là, ngay từ buổi bình minh của triết học, phương Tây đã được thừa hưởng hai bảo vật vô giá: cách làm triết học và cách sống triết học.



Ba trong một: trí thức, nhà nhân quyền, triết gia

Socrates (khoảng 470 – 399 trước Công nguyên) con nhà nghèo: cha làm đồ gốm, mẹ là bà mụ. Nghề của mẹ (và chắc cũng của cha nữa) thường được ví với phong cách sống của ông: làm người “đỡ đẻ” và hun đúc cho việc đi tìm chân lý. Học vấn uyên bác và đã từng là một chiến binh dũng cảm, nhưng rút cục ông thấy công việc “hộ sinh tinh thần” mới thực là sứ mệnh đáng cho ông dâng hiến trọn đời. Socrates không triết lý trong tháp ngà. Ông lang thang giữa chợ Athens (Hy Lạp) để bàn thảo, tranh luận với thanh niên, với những người “học thật” và “học… giả”.

Tới 50 tuổi mới cưới vợ: bà Xanthippe, nổi danh (và đồng nghĩa) với hình ảnh một bà vợ hung dữ, khó tính. Không phải không có lỗi của ông: chẳng mang được đồng xu nào về nhà! Khác với những biện sĩ đương thời bán trí khôn kiếm tiền, ông dứt khoát dạy miễn phí. Không rõ bà hay cãi cọ có phải vì ông cương quyết không chịu… thương mại hoá giáo dục hay không, nhưng “chân lý” sáng giá được ông khám phá là: “Nên lấy vợ! Gặp vợ hiền, bạn được hạnh phúc; gặp vợ dữ, bạn thành… triết gia; đàng nào cũng có lợi!”

Thử thách thực sự đến với Socrates vào năm 399 trước Công nguyên. Ông bị tố cáo tội “dụ dỗ thanh niên” và “báng bổ thánh thần”, bị kết án tử hình bằng cách uống thuốc độc. Người như ông mà không bị chụp mũ, tố cáo, lên án mới là chuyện lạ, nhưng thật ra, thời đó, án tử hình cũng hiếm và ông có thể dễ dàng thoát chết bằng hai cách: xin chừa hoặc bỏ trốn. Không thể được! Xin chừa là phản bội sứ mệnh bảo vệ chân lý. Bỏ trốn là phản bội trách nhiệm công dân. Vậy, chỉ có con đường chết: ung dung uống thuốc độc trước mặt bạn hữu và môn đệ, sau khi cùng họ… đàm luận triết học!

Platon, cao đồ của Socrates, đã tường thuật quang cảnh bi tráng này một cách thật cảm động và nhất là đã ghi lại lời tự biện hộ bất hủ của Socrates trước toà mà hậu thế xem “là bản tuyên ngôn đầu tiên của tri thức” (Socrates tự biện, Nguyễn Văn Khoa dịch, NXB Tri Thức, 2006). Hãy nghe tóm tắt vài lời giới thiệu của dịch giả:

Tại sao lại bắt đầu với Socrates, người chưa từng tự tay viết một chữ nào để lại hậu thế? Vì tuy không viết chữ nào, nhưng như đức Phật, đức Khổng ở phương Đông, Socrates là triết gia gây ảnh hưởng sâu đậm nhất lên lịch sử tư tưởng Tây phương.

– Socrate là triết gia đầu tiên, vì “sống” đồng nghĩa với “triết lý”: “Thưa quý đồng hương,… khi nào còn chút hơi sức, tôi sẽ không ngừng sống đời triết gia, khuyên nhủ và khuyến cáo quý vị rằng phải tự xét mình và xét người, bởi vì sống mà không suy xét không đáng gọi là sống”.

– Socrates là nhà nhân quyền đầu tiên, vì ông xác lập tự do tư duy, tự do phát biểu, tự do sống cuộc đời mình chọn lựa, như một thứ quyền con người, cao hơn bất kỳ bộ luật của một cộng đồng người đặc thù nào: “Trước sự thể này, tôi chỉ cần thưa với quý vị: có trả tự do cho tôi hay không, không thành vấn đề; Socrates này sẽ chẳng bao giờ làm chuyện gì khác, dù phải bỏ mạng ngàn lần”.

– Socrates là người trí thức đầu tiên theo nghĩa hiện đại, vì dám tin vào một thứ chức năng thiên phú: phê phán không nhân nhượng xã hội ông đang sống: “Thật là sai lầm nếu quý vị nghĩ rằng chỉ cần giết người là trốn thoát lời chê trách sống không suy xét. Cách loại bỏ sự kiểm tra ấy vừa bất chính vừa bất khả thi, còn cách vừa chính đáng vừa dễ dàng là: thay vì tìm cách bịt miệng kẻ khác, hãy tự tu thân sửa tính” (sđd, tr. 35-36).

Người đỡ đẻ tinh thần

Ta thường biết đến câu nói nổi tiếng của Socrates: “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả” và câu châm ngôn ông theo đuổi suốt đời – “Hãy biết chính mình!” Nhưng, cống hiến lớn nhất của ông là đã mang triết học từ trời xuống đất. Thay vì bàn chuyện vũ trụ cao xa như các bậc tiền bối, ông quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống con người. Vì ông tin rằng mọi người ai ai cũng biết lẽ phải, sẵn sàng làm theo lẽ phải nếu được thức tỉnh.

Do đó, nhiệm vụ của ông không phải là rao giảng, thuyết phục, trái lại, bằng phương pháp và kỹ thuật đặt câu hỏi, giúp mọi người tự tìm thấy lẽ phải, chân lý vốn còn bị che phủ bởi sự mê muội. Dựa theo phương pháp hộ sinh của bà mẹ, Socrates tiến hành nghệ thuật đối thoại bằng bốn bước:

– Giả vờ không biết để nhờ người đối thoại giảng cho. Rồi bằng những câu hỏi trúng đích (có khi châm biếm, mỉa mai) chứng minh rằng người đối thoại thật ra chẳng biết gì!

Khôn ngoan là kẻ biết điều mình không biết!
Không biết không đáng trách, đáng trách là không chịu học

Ông quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống con người. Vì ông tin rằng mọi người ai ai cũng biết lẽ phải, sẵn sàng làm theo lẽ phải nếu được thức tỉnh.

– Tiếp theo là dùng phương pháp quy nạp để xây dựng từng bước cái biết vững chắc. Đó là phân tích chính xác những ví dụ cụ thể trong đời thường, từ đó rút ra những kết luận và định nghĩa tạm thời.

– Bằng phương pháp định nghĩa, làm cho những khẳng định tạm thời ấy ngày càng tinh vi và chính xác hơn.

– Sau cùng, có được những định nghĩa rõ ràng, phổ quát về vấn đề đang bàn.

Phương pháp đối thoại ấy trở thành cơ sở cho sự phát triển triết học và khoa học của bao thế hệ về sau.

Ta học được gì từ Socrates? Bên cạnh tấm gương chính trực và dũng cảm mà mỗi khi nản lòng, ta hãy nhớ đến để còn vững tin vào giá trị của con người, còn có thể rút ra mấy kinh nghiệm hay:

– Biết nghe và biết hỏi là yếu tố cơ bản để thành công. Nhưng, hỏi không phải để truy bức, để bắt bí mà để người được hỏi có dịp suy nghĩ và tự trả lời: câu trả lời và giải pháp là do chính họ tìm ra.

– Kiểm tra có phê phán sự hiểu biết của chính mình.

– Nền móng của đối thoại là sự trung thực và minh bạch, là sự tin cậy lẫn nhau: “Quan toà phải có bốn đức tính: lắng nghe một cách lễ độ, trả lời một cách rõ ràng, cân nhắc một cách hợp lý, và quyết định một cách vô tư”.

– Tránh mọi sự cực đoan: “Sự cực đoan bao giờ cũng tạo ra sự cực đoan ngược lại. Thời tiết cũng thế, thân thể ta cũng thế, nhà nước, quốc gia đều thế cả”.

– Không cần sống khổ hạnh (“ăn và uống mới làm cho xác và hồn gặp nhau!”), nhưng nên bớt dục vọng và đừng thở than quá mức: “Dồn hết mọi nỗi bất hạnh trên đời này lại rồi chia đều cho mỗi người, chắc ai cũng xin rút phần của mình lại và vui vẻ bỏ đi”.

Socrates từ biệt chúng ta nhẹ nhàng: “Thôi, bây giờ đến lúc chia tay. Tôi chết đây, còn các bạn cứ sống. Nhưng ai sướng, ai khổ, chưa biết đâu đấy!” Socrates yêu quê hương, sẵn sàng chết chứ không nỡ bỏ đi, nhưng luôn giữ cái nhìn “toàn cầu”: “Tôi không phải là người Athens hay người Hy Lạp, tôi là công dân thế giới!”

Bùi Văn Nam Sơn
(Nguồn Báo điện tử sài gòn tiếp thị media, 08.06.2010

Thức tỉnh - 6. TỪ BỎ CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ GIẢI PHÁP

Bất cứ lúc nào bạn đang từ bỏ thì đó cũng là lúc bạn bị đánh lừa. Bạn ngạc nhiên ư? Bạn bị đánh lừa thật đấy. Bạn đang bỏ cái gì? Lúc bạn bỏ điều gì thì cũng là lúc bạn bị ràng buộc vĩnh viễn vào điều đó. Một bậc thấy Ấn Độ đã phát biểu: - “Mỗi khi một cô điếm đến gặp tôi thì cứ y như là cô ta không nói gì ngoại trừ nói về Thượng Đế. Cô ấy bảo cô ấy chán cuộc sống hiện tại của mình và chỉ tha thiết có Thượng Đế. Còn ngược lại, mỗi lần một thầy sải đến gặp tôi thì ông ta chỉ nói toàn chuyện tình dục”. Thế đấy, mỗi khi bạn bỏ điều gì thì bạn cũng sẽ dính vào điều đó mãi. Khi bạn chiến đấu với chuyện gì thì bạn cũng bị cột trói vào đó luôn, bởi bao lâu bạn còn chiến đấu thì bấy lâu bạn còn tạo năng lực cho nó. Năng lực mà bạn tạo cho nó cũng nhiều như năng lực mà bạn sử dụng để chiến đấu với nó.
Bạn phải “đón nhận” các sự dữ của mình, bởi vì chống lại chúng có nghĩa là nạp thêm sức mạnh cho chúng, chưa từng có ai khuyên bạn như vậy phải không. Khi bạn từ bỏ một thứ gì thì chính nó sẽ cột bạn lại. Vậy chỉ còn cách duy nhất là nhìn thẳng vào bản chất của nó. Tôi xin nhắc lại, đừng bỏ, cứ nhìn thẳng vào bản chất của sự vật. Hãy nắm cho được giá trị thật của nó và bạn sẽ thấy rằng chẳng cần phải cố “từ” với “bỏ” – tự nó sẽ tụt khỏi tay bạn thôi. Song dĩ nhiên, nếu bạn không ý thức được vậy, nếu bạn vẫn như bị thôi miên để nằng nặc tin rằng mình sẽ không được hạnh phúc nếu không có được cái nầy cái nọ - thì bạn vẫn còn bị lún lầy. Điều mà chúng tôi muốn giúp bạn không phải là khuyến giục bạn hi sinh, từ bỏ mọi sự - như cách của một thứ linh đạo nào đó vẫn làm. Khuyến giục như vậy chỉ hoài công thôi. Vì bạn vẫn còn đang mê ngủ. Điều chúng tôi muốn giúp ấy là làm cho bạn hiểu, hiểu hơn và hiểu hơn nữa về sự vật. Một khi bạn đã hiểu, bạn sẽ dứt bỏ quyến luyến về nó không khó khăn lắm. Hay nói một cách khác: Thức tỉnh gắn liền với sự dứt bỏ lòng quyến luyến.


Chuyện xưa chuyện nay - CHỈ BÁN PHỞ MỚI LÀ QUÁN PHỞ?

          Hai cha con ông chủ một quán phở gia truyền nổi tiếng không đồng ý với nhau: người cha muốn chỉ tiếp tục bán phở thôi; người con, có óc năng động, muốn bổ sung thêm mấy món điểm tâm nữa. Nhưng, “bổ sung” tới mức độ nào thì quán phở vẫn còn là quán phở?


Minh hoạ: Đỗ Hoàng Tường

          Hai cha con vô hình trung đụng đến một trong những câu hỏi quan trọng nhất và cũng nhức đầu nhất của triết học: cái gì khả biến, cái gì bất biến? Cái gì làm nên bản chất của một sự vật? Triết học, từ thời cổ đại, cũng xuất phát từ kinh nghiệm đời thường: cái cây vẫn là cái cây dù mùa thu làm rụng lá. Chặt cái cây tới mức nào thì nó vẫn có thể hồi sinh? Cưa tận gốc thì tuy vẫn còn bộ rễ nhưng không còn là cái cây nữa. Cái cây đã bị phá huỷ tận “bản thể” của nó.

          Con người cũng vậy. Xem lại tấm ảnh lúc tuổi thơ, ta nhận ra đó là “tuổi thơ của mình” chứ không phải của một đứa trẻ khác. Chừng nào mình còn xưng “tôi” là còn muốn nói đến cái gì không thay đổi, không thể lẫn lộn, dù tóc đã phai màu! Lập tức, ta vấp ngay một khó khăn: cái thực sự tạo nên sự vật thì không thể dùng mắt để nhìn mà phải dùng đầu để suy nghĩ. Nhưng, suy nghĩ từ cái gì? Cũng phải từ những gì mắt thấy tai nghe! Những gì mắt thấy tai nghe đều là khả biến, vô thường, vậy có thể xem những gì khả biến, vô thường là bản chất của sự vật? Nói thế cũng có nghĩa là sự vật không hề có bản chất! Song, thực tế cãi lại: khi mua một món hàng, ta muốn mua một món hàng thật, dù “cái thật” ấy ẩn sâu trong món hàng, khó nhận thấy. Gia đình, xã hội cũng thế. Sống trong một gia đình, một tổ chức, một xã hội, đâu phải ai lo phận nấy mà còn có một mục tiêu chung. Khi mục tiêu này mất đi, gia đình, tổ chức, xã hội không còn là chính nó nữa. Vậy, ta phải có ý thức về một cái bản thể thường tồn thì mới có thể nhận ra lúc nào nó bị đe doạ chứ? Hai cách đặt vấn đề tương phản như thế làm các triết gia điên đầu trong hơn hai ngàn năm nay!

          Ở phương Tây, Aristoteles là người nỗ lực giải quyết vấn đề này. Ông khẳng định: bản chất của sự vật là bản thể của nó. Vậy bản thể là gì? Là cái gì “nằm bên dưới” sự vật, là cái gì bền vững mà nếu không có nó, không còn sự vật nữa. Hãy thử đọc hai cặp lục bát sau đây trong Truyện Kiều theo kiểu… triết học:

(1) Thuý Kiều sắc sảo, khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành

(2) Thịt da ai cũng là người
Lẽ nào hồng rụng thắm rời chẳng đau!

          Câu (1) cho biết cô Kiều là như thế nào. Nhưng, các đặc điểm ấy không ổn định (cô Kiều có khi cũng… dại dột!) và nhất là, không thể tồn tại độc lập mà không gắn với cô Kiều. Chúng có thể thay đổi, nghĩa là, không nhất thiết cứ như thế mãi (hậu vận cô Kiều đâu có… vô duyên!). Vì thế, Aristoteles bảo: Thuý Kiều (như là cái gì cá biệt) là bản thể, còn “sắc sảo, khôn ngoan, vô duyên…” là những tuỳ thể (accidents, từ nghĩa gốc là ngẫu nhiên, tình cờ). Nhưng câu (2) thì khác, con người không thể lúc thì có “thịt da”, lúc thì không. Vậy nó nói lên con người là gì. Cái không thể thay đổi ấy được gọi là những thuộc tính. Thuộc tính thì tất nhiên không tồn tại độc lập, nhưng những thuộc tính nào thuộc về bản chất của sự vật thì cũng là bản thể, thậm chí còn là bản thể theo nghĩa cao hơn cả những sự vật cá biệt. Vậy, theo Aristoteles, ta có hai loại bản thể: cái cá biệt (Thuý Kiều) và cái phổ biến (“thịt da”, “người”…) Ông gọi cái trước là bản thể số một, cái sau là bản thể số hai. Tưởng xong, nhưng rồi lại thấy không ổn! Việc phân biệt ấy chẳng rõ ràng chút nào. Khi Thuý Kiều khen Từ Hải: “Rằng: Từ là đấng anh hùng!”, thì nếu rút bỏ thuộc tính “anh hùng” đi, có còn là Từ Hải hay chỉ là một người trùng tên?

          Platon, thầy của Aristoteles, làm ngược lại; ông chỉ quan tâm đến một phương diện thôi. Chỉ có cái phổ biến (“người”, “thịt da”, “sắc sảo”, “khôn ngoan”…) mới là những cái duy nhất có thật. Ông là tổ sư của thuyết duy tâm khách quan, vì theo ông, những cái phổ biến ấy là thuần tuý, hoàn hảo, mẫu mực chứ không nhếch nhác khi trở thành những thuộc tính ở trần gian, vì thế, chúng ở một thế giới khác, trong khi những sự vật cá biệt trên thế gian này chỉ là những bản sao tồi tàn, mờ nhạt của chúng.

          Thomas Aquino, đại triết gia Kitô giáo thời Trung cổ, đồng ý với Aristoteles là phải xuất phát từ những sự vật và bản thể trên trần gian này, nhưng cần tìm cho chúng một nền tảng sâu hơn. Theo ông, không phải ngẫu nhiên khi sự vật có một bản chất, tức có bản thể bền vững. Đó là nhờ có thượng đế. Nếu không có thượng đế và ý chí bền vững của Ngài để sáng tạo và duy trì thế giới này, tất cả đều tan rã hết.

          René Descartes, cha đẻ của triết học cận đại, cũng dành cho thượng đế một chỗ đứng đặc biệt, nhưng có chỗ khác với Aquino. Theo ông, chỉ duy nhất thượng đế mới có bản thể vĩnh hằng theo nghĩa tuyệt đối, còn toàn bộ thực tại chia làm hai loại bản thể: bản thể có quảng tính (vật chất) và bản thể có tư duy (tinh thần). Nơi con người cũng thế: ngày nay, ta đi đến bác sĩ để khám bệnh và đi đến trường để học, chứ không đến cùng một nơi là nhờ có… Descartes!


          Descartes gặp một đối thủ có hạng: Gottfried Wilhelm Leibniz. Leibniz bảo rằng chính những “đơn tử” (monad) mới tạo nên bản chất của sự vật. Nó “không có cửa sổ”, nghĩa là không thể nhìn vào bên trong nó, nó tự tồn và không có gì bên ngoài làm thay đổi nó được. Quan trọng hơn, đơn tử có lực! Lực khổng lồ nữa là khác. Không cần phải là nhà vật lý nguyên tử, ta cũng tin vào sức mạnh của năng lượng nằm bên trong lòng sự vật. Chỉ cần nhìn một đội bóng đang vùng lên là đủ nhận ra cái gì thúc đẩy nó, đồng thời đó cũng là nguồn năng lượng của nó.

          Immanuel Kant thấy các khẳng định của Descartes, Leibniz nghe thì hay nhưng không thể kiểm chứng được, nên cho rằng bản thể là cái gì chỉ hiện hữu trong đầu óc con người như một phạm trù để suy nghĩ về sự vật thôi, còn bản chất của sự vật là điều không thể nhận biết được.

          G. W. F. Hegel nghĩ đến quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng: hiện tượng là gì nếu nó thiếu đi cái bản chất; bản chất là gì nếu nó không trình hiện ra?

          Edmund Husserl cho rằng, đối với con người, không có cái bản chất nào ẩn giấu đằng sau sự vật cả, tất cả đều là những gì trình hiện cho ta, nên triết học của ông được gọi là hiện tượng học. Từ đó, Jean Paul Sartre, một trong những ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh, cho rằng hiện hữu của con người có trước bản chất. Xác định trước một bản chất, là hạn chế sự tự do chọn lựa của con người! Đối với các triết gia Anh, nhất là David Hume, John Locke, chỉ có những gì tri giác được, đo đếm được mới có thực. Một tư tưởng được thời đại bấy giờ hoan nghênh, vì nó hoàn toàn tương hợp với phương pháp của khoa học tự nhiên thời cận đại.

          Ở thế kỷ 20, triết học và khoa học luận tìm cách thay thế khái niệm bản thể/bản chất quá trừu tượng bằng khái niệm chức năng. Lý thuyết hệ thống cũng vậy: sự vật được xác định không phải từ bản chất của nó, mà từ chức năng của nó trong một hệ thống nhất định.

          Nhưng, nhiều người vẫn chưa trọn tin vào lý thuyết ấy. Họ vẫn cứ thành tâm hướng đến một cái gì siêu việt hơn đời thường, và… cha con ông chủ quán phở vẫn cứ tiếp tục tranh luận.

Bùi Văn Nam Sơn
(Nguồn Báo điện tử sài gòn tiếp thị media, 02.06.2010)

Older Posts

Popular Posts

Quotation

Mưa nào mà chẳng là mưa; song mưa làm gai góc mọc lên trong đầm lầy và mưa cũng sẽ khiến hoa nở khắp vườn

Đừng cố dạy cho một con heo hát. Chỉ tổ mất thời giờ và chọc tức con heo

“Tư tưởng của chúng ta là số phận của chúng ta” (Arthur Schopenhauer, 1788 – 1860)

Thế nhưng, đâu là cái ích lợi thiết thực của việc đem con người lên cung trăng khi mà chính chúng ta không sống được trên trái đất này?

Một vị thánh là một vị thánh cho tới khi vị ấy biết mình là một vị thánh

Total Pageviews

Followers


Recent Comments